Cây hoa hồng là loại cây kiểng được nhiều người ưa thích và trồng phổ biến. Tuy nhiên, hoa hồng cũng là cây có nhiều loại bệnh khiến nhà vườn lo lắng về cách điều trị. Vì vậy, nội dung bài viết sau đây sẽ đưa ra các loại bệnh thường xuất hiện trên cây hoa hồng và cách điều trị hiệu quả.
I. Bệnh hại trên cây hoa hồng
1. Bệnh phấn trắng
a. Biểu hiện
Vết bệnh dạng bột phấn màu trắng xám, bệnh hại trên các lá non, các lá bánh tẻ và cổ bông, bệnh phát triển rất nhanh làm lá biến dạng, thân khô, nụ ít, hoa thường không nở thậm chí chết cây.
b. Cách điều trị
Cắt hủy cành lá bị bệnh, cách ly cây bệnh. Trường hợp nặng, xuất hiện cả vườn, sử dụng một số loại thuốc như: Score 250 EC liều lượng 1,25 ml/ lít nước, Anvil 5SC 1,5 -1,8 ml/lít nước, phun khi trời mát.
2. Bệnh đốm đen
a. Biểu hiện
Vết bệnh hình tròn, bất định, ở giữa màu xám nhạt, xung quanh màu đen. Bệnh thường xuất hiện nhiều khi vào mùa mưa làm lá vàng, rụng hàng loạt.
b. Cách điều trị
Đặt chậu hồng ra chỗ thoáng đãng và nắng tốt, đặt xa những chậu hồng khỏe mạnh ít nhất 1-2 mét. Giảm hẳn lượng nước và tần suất tưới cho cây. Chỉ tưới cây vào buổi sáng lúc bắt đầu có nắng (8-9 giờ). Tránh để nước đọng trên lá cây. Nên tưới bằng phương pháp phun sương nhẹ. Trường hợp cây bệnh nặng có thể sử dụng thuốc: Daconil 500 SC 3,2 ml/lít nước, Anvil 5SC 1,5 – 1,8 ml/lít nước.
3. Bệnh rỉ sắt
a. Biểu hiện
Bệnh trên lá ban đầu thấy xuất hiện những đốm nhỏ vàng trong hoặc nâu sau đó chuyển sang màu cam như rỉ sắt cả hai mặt lá, bệnh làm lá khô cháy, dễ rụng, hoa nhỏ, cây còi cọc, chậm phát triển.
b. Cách điều trị
Đối với cây bệnh cần điều trị, phải cách ly khỏi vườn và cắt tỉa các lá, cành bị bệnh. Thu dọn tàn dư lá bệnh đem tiêu hủy. Trường hợp vết bệnh nặng sử dụng thuốc trừ bệnh DuPont TM Kocide 53.8 WG pha 1,2 – 15 g/lít nước, Vimonyl 72 WP pha 6.5 g/lít nước, Daconil 500 SC pha 3 ml/ lít nước.
4. Bệnh héo rũ do nấm Verticillium
a. Biểu hiện
Bệnh này khá đặc biệt, mặc dù ngọn non bị héo rồi nhưng vẫn còn màu xanh, sau đó chúng sẽ hồi lại, vài ngày sau thì bắt đầu úa vàng và chết từ trên ngọn xuống dưới gốc. Nụ hoa hồng không nở được, phần phía ngoài có một lớp màu xám từ từ sẽ lan xuống phần cuống tạo màu thâm tím.
b. Cách điều trị
Đối với những nhánh bị khô đen, bạn nên cắt bỏ toàn sử dụng thuốc Score 250EC pha 1,25ml/lít nước, phun trực tiếp lên cây định kỳ 10-15 ngày kết hợp với tưới đều bộ rễ định kỳ mỗi tháng, không phun vào hoa đang nở.
II. CÁCH PHÒNG BỆNH
– Thường xuyên cắt tỉa cành, lá cho cây thông thoáng, mật độ cây thích hợp. Lưu ý, khi cắt tỉa cành cho hoa hồng, bạn nên dùng kéo bấm cành, dao sắc để tránh làm dập cành. Sát trùng vết cắt bằng dung dịch Đồng sunfat.
– Khi thay chậu cho hoa hồng, bạn nên cho thêm chế phẩm Trichoderma để phòng trừ bệnh. Cần làm vệ sinh thường xuyên quanh vườn, tưới cây vào sáng sớm. Tránh để nước đọng lại trên phiến lá.
– Khi bắt đầu phát hiện bệnh, bạn cần lên kế hoạch trị bệnh càng sớm càng tốt.