Gỗ trồng lan là một trong những yếu tố quan trọng giúp cây sinh trưởng và phát triển tốt. Giá thể vừa là nơi trú ngụ của rễ lan, vừa là nơi cung cấp các chất dinh dưỡng cần thiết cho chúng, vậy gỗ trồng phong lan như thế nào là thích hợp nhất, xử lý gỗ trồng lan ra sao?
Có lẽ đây là loại giá thể mà nhiều người thích sử dụng và cũng là thông dụng nhất từ xưa đến nay. Cha ông ta có câu: Rừng vàng biển bạc mà, gỗ không thiếu thì tận dụng trồng lan còn gì bằng. Có nhiều bạn hỏi nhà e có gỗ táo, ổi, khế, vải, nhãn, vú sữa, me… có ghép được không, mình xin trả lời như sau:
Gỗ trồng lan thì mỗi nơi một khác, bạn chọn cái loại gỗ nào mà lâu bền, không nhanh mục, không chứa tinh dầu, không chứa hóa chất là được. Ở chỗ tôi miền Bắc thì gỗ trồng lan phổ biến có thể kể đến như gỗ ổi, gỗ nhãn, vải, vú sữa,… Các loại gỗ không thích hợp để trồng lan là gỗ táo, gỗ xoài… bởi chúng cực kì nhanh mục. Một vài trận mưa ngấm nước là nó mục ngay, có khi cây lan còn chưa kịp bám rễ chắc. Hay gỗ thông cốp pha xây dựng, chứa hóa chất xử lý mối mọt nên cũng không sử dụng được.
Cây lan chỉ dựa vào giá thể để bám rễ, hút nước từ giá thể và các chất dinh dưỡng hòa tan trong đó, có cây bộ rễ gió phát triển mạnh, chỉ cần có chỗ bám vững chắc là chúng có thể tự nuôi sống bản thân. Ngoài ra, nếu bạn chọn trồng phong lan vào gỗ nên chọn loại gỗ được bền lâu, vừa đỡ mất công thay giá thể, vừa hạn chế làm cây lan bị chột. Những loại gỗ thường dùng nhất là gỗ nhãn, vải, vú sữa, ổi, khế, vú sữa, căm xe,…
Thứ 1: Bạn nên phơi khô, sau đó bóc hết vỏ ngoài đi. Để nguyên vỏ cây có được không? Câu trả lời là được nhưng không nên. Lúc mới chơi lan mình cũng để nguyên vỏ cây, sau một thời gian rễ có bám tốt nhưng chỉ vài tháng đến 1 năm phần vỏ này mục, đây là một ổ bệnh nấm mốc, sên, côn trùng cư trú, điều này không hề tốt cho lan tí nào.
Hơn nữa vỏ cây mục sẽ bong tróc, cây lan của bạn sẽ bong tróc từ bỏ phần gỗ. Để cả vỏ cũng khiến phần gỗ nhanh mục hơn thôi. Vì thế trước khi ghép đừng tiếc phần vỏ nhé. Một số loại lan khó bong vỏ như gỗ vú sữa nhiều người để nguyên vỏ trồng cũng rất tốt. Thực chất lớp vỏ này giữ ẩm rất tốt. Nếu bạn xử lý được nấm thường xuyên thì có thể sử dụng. Tuy nhiên cá nhân tôi trồng lan ở miền Bắc, đa số là gỗ nhãn thì bóc cho lành!
Gỗ trồng lan đặc biệt thích hợp với các loại lan đơn thân như ngọc điểm, chồn, cáo, sóc, tam bảo sắc, quế, nhạn,…với đặc điểm chúng có bộ rễ gió hoặc rễ to có thể bám chắc vào giá thể. Với những loại lan như vậy, chúng ta nên để nguyên khúc gỗ thành từng đoạn, ghép lan vào và treo lên giàn. Nếu bạn có một gốc cây to có thể xử lý và ghép lan lên luôn và để ngay dưới mặt đất. Với những gốc cây có dáng đẹp, giò lan sẽ cho giá trị cực cao. Chính vì thế mà hầu như các nhà vườn hiện nay đang rất ưa thích ghép lan vào những gốc cây hay lũa để thu được lợi nhuận khủng.
Tuy nhiên, việc trưng bày và vận chuyển cũng là thứ mà chúng ta cần phải tính đến bởi mấy gốc cây này rất nặng và cồng kềnh. Gỗ trồng lan có thể cắt thành từng thớt, khoan lỗ nhỏ rồi ghép lan đa thân cũng rất tốt. Tuy nhiên cách trồng này thường ở những loại như phi điệp, hạc vĩ, long tu,… nói chung là các loại lan thân thòng.
Khi trồng lan có nhiều người hay nói với nhau rằng phải đẽo vỏ cây khi trồng. Đây cũng là ý kiến trái chiều mà chưa có hồi kết. Chắc cũng bởi khí hậu mỗi nơi một khác nên chúng ta không thể áp chung cách trồng lan với nhau. Với cá nhân tôi thì đẽo vỏ và xử lý gỗ sau khi đẽo vỏ cây là cần thiết. Vậy đẽo vỏ cây thế nào cho đơn giản nhất, đặc biệt là những khúc gỗ còn tươi vừa cưa xuống?
Khi đã chọn được gỗ cho lan thì bạn tiến hành lột sạch vỏ cây để hạn chế nấm bệnh và tránh hiện tượng bong vỏ cây sau một thời gian trồng. Bạn lưu ý chọn kích thước gỗ cho phù hợp, nhiều người chọn khúc gỗ thì thấy hơi nhỏ, có thể chấp nhận được nhưng khi dóc vỏ + để khô thì ôi thôi, khúc gỗ bé bằng cổ chân nhìn rất mất thẩm mỹ.
Hoặc là có những người ghép nghé vào cây cổ thụ, nhìn rất mất cân đối, đến lúc nghé chuẩn bị sinh chắc là phải đi tìm nhà mới! Do đó trước khi ghép lan bạn cần chọn cho mình một khúc gỗ phù hợp nhé!
Câu hỏi đặt ra ở đây là, với những khúc gỗ tươi thì vỏ chúng rất chắc và không dễ bong, một số mẹo dưới đây chắc chắn sẽ có ích cho bạn:
Cấu tạo của lớp biểu bì vỏ cây có phần nhẹ, dày và xốp nên chúng có độ co giãn vì nhiệt, ẩm rất lớn để bảo vệ thân cây bên trong. Để đẽo được vỏ cây nhanh chóng và không tốn sức, bạn có thể áp dụng phương pháp sau:
Phơi nắng: Cách đơn giản và dễ dàng nhất mà bất cứ ai cũng nghĩ ra. Giữa mùa hè 38-40 độ như hiện nay bạn cứ mang phơi tầm 1 ngày là nó tự bong ngay, không cần động tay động chân. Dưới cái nắng hè thì lớp vỏ bị hút sạch độ ẩm nên nó sẽ co vào. Phần liên kết với lõi gỗ không được chặt chẽ nên chúng có thể bong ra rất dễ dàng. Sau khi bóc vỏ thì bạn có thể xử lý gỗ bên trong ngay và luôn.
Đốt lửa
Cách này dùng trong trường hợp những ngày đông hoặc những ngày mưa. Bạn hơ đều khúc gỗ bằng ngọn lửa cho chúng nóng, khô bên ngoài là có thể bong. Tuy nhiên cách này không hiệu quả lắm bởi bạn vẫn cần phải có dao để tách. Thường thì bạn có thể dùng than hơ mà không phải dùng ngọn lửa, miễn nó có sức nóng là được.
Đừng dùng dao nhọn đẽo vỏ cây
Lưu ý rằng đừng dùng dao nhọn sắc để đẽo vỏ cây nhé, vỏ cây thường thì cứng quá mới cần dùng dao. Nếu dao sắc thì phần lưỡi mỏng và rất sắc, dùng đẽo vỏ cây là hỏng hết lưỡi dao, y răng cưa. Bạn có thể sử dụng dao độp ( loại dao cùn, thớ thép dày mà ở quê tôi hay dùng để chặt củi nhóm bếp ấy, có thể chỗ khác nó có tên gọi khác) đẽo vỏ cây trồng lan.
Dùng búa đẽo vỏ cây, tưởng đùa mà hiệu quả cao
Nhiều khi đẽo vỏ cây khó khăn quá tôi dùng búa đẽo lại thấy hiệu quả cao. Bạn cùng búa đập đều xung quanh mọi vị trí còn vỏ cây. Khi đập như vậy có một số chỗ dễ dàng bong vỏ rồi. Sau đó những vị trí chưa bong bỏ bạn đập mạnh thành từng khoanh là chúng tự bong theo mảng, dễ dàng tách mà không cần động đến dao đẽo rất lem nhem, mất thẩm mỹ.
Không phải chỉ riêng các bạn đâu, chính tôi cũng đã từng đi móc từng nắm gỗ mục về trồng lan từ những năm 2010 đấy. Thực sự thì đây cũng là một bài học mới nhất nhưng không quá đắt để trả giá. Vậy gỗ mục trồng lan tại sao lại không được? cùng chăm lan tìm hiểu nhé!
Nói thật chứ lúc mới bắt đầu đam mê trồng lan thì mình cũng chẳng biết gì, chân ướt chân ráo, thấy người ta làm thế nào là mình làm theo. Ông anh mình ngày xưa có bụi lan phi điệp ghép vào gốc cây táo mục, thấy phát triển xanh tốt nên mình cũng bắt chước trồng theo.
Ban đầu thì làm cái chậu nhựa trồng rồi móc gỗ mục ra nhét cây lan vào là trồng. Nó cũng vẫn sống chứ không phải không. Nhưng được 1 thời gian treo ngoài trời dính mưa vài ngày liền, úng rễ và cây lan chết gốc luôn. Cái thời mới chơi ấy mà, hạc vỹ còn để chết, ăn hại thật.
Rồi mấy bụi lan trên rừng người ta đi tầm được, toàn bám vào khúc cây mục nên cứ tưởng rằng gỗ mục có nhiều chất dinh dưỡng cho lan. Ai ngờ đâu không phải như vậy. Tất nhiên gỗ mục vẫn có tác dụng của nó, nhưng không nhiều và cũng không ai trồng lan chỉ bằng gỗ mục cả.
Điều này chắc ai cũng biết, gỗ mục cực nhẹ, gió thổi phát là giò lan đung đưa. Nếu trồng chậu gặp gió to chắc bay hết giá thể. Chính vì thế mà độ ổn định của gốc cây lan là không có. Đây là lý do dễ nhận thấy nhất khi trồng lan bằng gỗ mục, các bạn nên lưu ý.
Gỗ mục có đặc tính khá xốp, mềm, là nơi trú ngụ lý tưởng của nhiều loại côn trùng hại lan như rết, dế, sâu, ốc sên,… Những loài côn trùng này thật sự không nên xuất hiện trong vườn của bạn.
Như vậy, gỗ trồng lan cần phải xử lý mới có thể ghép lan được. Có nhiều bạn nói rằng không cần xử lý mà lan vẫn phát triển tốt, đó là do ban đầu môi trường chưa xuất hiện mầm bệnh thôi, về lâu dài nếu không xử lý giá thể, đây sẽ là điều bất lợi cho bất cứ ai chơi lan. Nên nhớ giá thể là nhà, nơi trú ngụ của cây hoa lan, chính vì thế giá thể sạch cây hoa lan mới tồn tại và phát triển tốt được.