Xoài là loại cây ăn trái được trồng rất phổ biến ở nước ta. Ngày nay nhờ áp dụng kỹ thuật xử lý ra hoa nghịch vụ nên diện tích trồng xoài ngày càng phát triển, thu nhập từ cây xoài cũng tăng lên. Tuy nhiên, nếu so với nhiều loại cây ăn trái khác thì việc xử lý ra hoa nghịch vụ trên cây xoài khá phức tạp, vì bị tác động của thời tiết dịch hại làm ảnh hưởng đến tỷ lệ đậu trái. Do đó, để đảm bảo thành công, đòi hỏi bà con nông dân phải áp dụng nhiều biện pháp từ kỹ thuật canh tác đến phòng trừ dịch hại. Theo kết quả của những nhà nghiên cứu để cây xoài tạo mầm hoa hiệu quả nhất bà con có thể dùng sản phẩm Paclobutrazol. Đây là một chất điều hòa sinh trưởng làm chậm tốc độ phân chia tế bào, làm cho thực vật trở nên già cỗi qua đó thúc đẩy sự hình thành mầm hoa.
Quy trình xử lý ra hoa xoài khi sử dụng Paclobutrazol
1. Giai đoạn sau thu hoạch:
– Cần tỉa bỏ những cành: đã thu hoạch trái, ốm yếu, bị sâu bệnh, che rợp lẫn nhau và phát hoa không mang trái để giúp cho cây ra đọt đồng loạt tạo điều kiện ra hoa đồng loạt.
– Bón phân: Tùy theo tình trạng sinh trưởng của cây, năng suất mùa trước có thể áp dụng theo công thức như sau: Phân hữu cơ kết hợp NPK 20-20-15 theo tỉ lệ 1:1 với lượng 1,5-2,0 kg/cây cho cây trên 10 năm tuổi.
– Sau khi bón phân cần tưới nước 2-3 ngày/lần giúp cây hấp thụ phân tốt.
– Kích thích cho cây ra đọt non đồng loạt bằng cách phun Urê với liều lượng 150-200 gr/10 lít nước.
2. Giai đoạn ra đọt non: Đây là đợt đọt quan trọng quyết định sự ra hoa, do đó cần chú ý phòng trừ các loại sâu bệnh để bảo vệ đọt non. Các loại sâu bệnh cần chú ý: Bệnh thán thư, rầy bông xoài, bọ cắt lá và sâu đục cành ….
Xử lý ra hoa:
+ Xử lý Paclobutrazol khi lá non phát triển hoàn toàn, lúc lá có màu đỏ đồng và được 10-15 ngày tuổi. Pha 1-2 gr hoạt chất với 3-5 lít nước tưới quanh gốc cây, sau đó tưới nước liên tục 1-2 ngày/lần trong 7 ngày.
+ 25-30 ngày sau khi xử lý Paclobutrazol thì bón phân: DAP + KCl theo tỉ lệ 1:1 với lượng 300-500gr/cây và phun MKP 0-52-34 (KH2PO4) với liều lượng 50-80 gr/10 lít nước, cách 10 ngày phun 1 lần, phun 2 – 3 lần.
+ 45-60 ngày sau khi xử lý Paclobutrazol thì phun KNO3 kích thích ra hoa. Phun khi thời tiết khô ráo, chồi ngọn phát triển mạnh, nhô cao, gân lá phát triển hoặc cong lại. 5-7 ngày sau tiến hành phun lại lần 2 với liều lượng giảm 50%.
3. Giai đoạn ra hoa:
– Bón thúc cho hoa phát triển với phân NPK 15-15-15 với liều lượng 200-300gr/cây.
– Phun thuốc phòng ngừa rầy bông xoài, bọ trĩ và bệnh thán thư.
– Phun các sản phẩm tăng đậu trái có chứa Bo hai đợt, đợt 1 khi hoa khoảng 10 cm, đợt 2 khi hoa nở khoảng 15% trên bông.
4. Giai đoạn đậu trái “rớt nhụy”:
Hoa xoài thụ phấn chủ yếu nhờ côn trùng như ruồi, ong,… nên hạn chế phun các loại thuốc trừ sâu bệnh trong giai đoạn này để không làm ảnh hưởng đến quá trình thụ phấn của hoa. Chú ý, nếu gặp thời tiết xấu có thể phun ngừa bệnh thán thư và bọ trĩ.
5. Giai đoạn phát triển trái:
– Giai đoạn trứng cá (7-10 ngày sau khi đậu trái (NSKĐT)): phun một trong các loại phân bón lá như: HVP 15-30-15 hoặc Canxi nitrat (Ca(NO3)2) 0,5%,… để giảm rụng trái non.
– Giai đoạn 30 NSKĐT: Phun GA3 để giảm rụng trái non.
– Giai đoạn 45 NSKĐT: Bón phân gốc để giúp cho trái phát triển. Có thể dùng phân NPK 20-20-15 liều lượng 400-500 gr/cây 7-8 năm tuổi, 1-1,5 kg/cây >10 năm tuổi. Phun Gibberellin GA3 để làm giảm rụng trái non, phun Canxi nitrat (Ca(NO3)2) hoặc Clorua canxi (CaCl2) với liều lượng 10-20 gr/8 lít nước để hạn chế nứt trái. Phun 2-3 lần cách nhau 10 ngày/lần để làm tăng phẩm chất trái.
– Giai đoạn 60 NSKĐT: Nếu trái phát triển chậm, nên bón thêm 1-2 kg phân NPK 20-20-15/cây để giúp trái phát triển tốt.
– Giai đoạn 70-80 NSKĐT: Phun Nitrate kali (KNO3) nồng độ 1% để làm tăng phẩm chất trái.
Chú ý phòng trừ: Rầy bông xoài, sâu đo ăn bông, bọ trĩ, sâu đục trái (hột), bệnh thán thư …
6. Bao trái
-Tỉa trái: Chọn những trái phát triển đều đặn để tiến hành bao trái, đối với cát Hòa Lộc chỉ để 1 trái/cuống, cát Chu để 3-4 trái/cuống.
– Bao trái: Tiến hành vào giai đoạn 30-45 NSKĐT.
Khi bao trái xếp miệng bao gọn gàng, kín và tạo thành hình mái nhà để không cho nước vào tiếp xúc với trái xoài. Khi thu hoạch xong đợt 1 phải phơi khô, xếp gọn, thẳng và xử lý thuốc trừ nấm bệnh trước khi bao đợt 2.
Nhằm tạo ra sản phẩm có chất lượng cao, không khuyết tật, ngăn chặn sự tấn công của côn trùng, bệnh hại như: sâu đục trái, ruồi đục trái, rệp sáp, bệnh thán thư, bệnh đốm da ếch, bệnh nứt trái xì mủ ….
Bao trái sẽ hạn chế được số lần phun thuốc hóa học từ 5 – 7 lần/vụ, giúp vỏ trái bóng đẹp, bán được giá cao, góp phần hạ giá thành sản phẩm, tăng lợi nhuận, giúp giảm ô nhiễm môi trường và không tồn dư thuốc BVTV trên trái.
Trước khi bao trái nên tiến hành phun thuốc BVTV để phòng trừ sâu bệnh.
* Những lưu ý khi sử dụng Paclobutrazol đó là:
– Đối với cây ăn quả lưu nhiên nên xử lý thuốc 1 năm, nghỉ 1-2 năm. Bón phân cân đối, đầy đủ để cây hồi phục, tránh lạm dụng làm ảnh hưởng đến sự sinh trưởng và phát triển của cây.
– Liều lượng Paclobutrazlol sử dụng tùy thuộc vào tuổi cây, cây còn tơ còn nhỏ thì liều lượng sử dụng trên một đơn vị đường kính tán cây sẽ nhiều hơn vì cây con khả năng sinh trưởng mạnh hơn. Hoặc sử dụng Paclobutrazol vào mùa mưa thì lượng cũng nhiều hơn so với mùa khô do cây sinh trưởng mạnh hơn.
P.Thảo – (Tổng hơp từ nguồn “Tài liệu hướng dẫn trồng xoài theo quy trình VietGAP” của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư tỉnh Đồng Tháp)