Rầy xanh có tên khoa học là Amrasca sp, là đối tượng gây hại phổ biến, quanh năm trên cây sầu riêng. Ngoài ra, rầy xanh còn gây hại trên một số cây trồng như: cà tím, đậu bắp, ớt, mướp, đậu phộng, ...
- Đặc điểm hình thái: rầy xanh có chiều dài từ 2,5 mm – 3,3 mm, màu xanh vàng nhạt, có 02 chấm đen trên cánh trước; có vòng đời từ 12 – 14 ngày.
Hình: Rầy xanh gây hại trên sầu riêng
Nguồn: Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật Tây Ninh
Cách gây hại: khi cây sầu riêng ra đọt non, lá non, rầy xanh tìm đến và đẻ trứng vào bên trong lá non vừa nhú khoảng 01 cm (02 phiến lá chưa mở), sau đó trứng nở thành ấu trùng gây hại bên trong phiến lá. Nếu mật số ấu trùng cao sẽ làm lá non rụng trước khi 02 phiến lá mở ra. Cả ấu trùng và trưởng thành của rầy xanh đều gây hại bằng cách chích hút lá non.
- Biện pháp phòng trừ:
+ Điều khiển cây ra đọt non đồng loạt để thuận tiện trong kiểm soát rầy;
+ Giữ cho vườn cây thông thoáng;
+ Tạo điều kiện phát triển thiên địch (nhóm bắt mồi ăn thịt) của rầy xanh trong tự nhiên như: ấu trùng bọ rùa, ấu trùng bọ cánh gân, bọ xít, nhện;
+ Khi cây vừa nhú đọt non, sử dụng các loại thuốc chứa hoạt chất như: Abamectin, Emamectin benzoate, Buprofezin, ... để phòng trừ ấu trùng gây hại.
+ Khi mật số rầy xanh cao, có thể sử dụng các loại thuốc có chứa hoạt chất: hỗn hợp Nitenpyram + Pymetrozine + Imidacloprid; hỗn hợp Acetamiprid + Buprofezin + Isoprocacarb; hỗn hợp Abamectin + Azadirachtin; hỗn hợp Abamectin + Petroleum oil; ... để quản lý trưởng thành gây hại.
Lưu ý: phun thuốc vào buổi chiều mát, luân phiên sử dụng các hoạt chất để hạn chế bộc phát tính kháng của rầy.
NGUỒN: CHI CỤC TRỒNG TRỌT VÀ BẢO VỆ THỰC VẬT TÂY NINH