Mít có đặc điểm cho trái quanh năm, nhưng giá không ổn định. Chính vì vậy, nhiều nhà vườn thường xử lý mít ra hoa nghịch vụ để bán có giá cao hơn. Hy vọng những chia sẻ kỹ thuật xử lý ra hoa dưới đây, phần nào giúp ích cho nhiều nhà vườn trồng mít.
Bước1: Bón gốc chặn đọt
Trước khi bắt đầu xử lý ra hoa chúng ta nên bổ sung lân và kali để cho cây tạo mầm hoa tốt, giúp lá già đồng loạt. Thông thường sử dụng 1 bao lân kết hợp 10 kg kali trộn đều rải xung quanh tán, rải cách gốc 20- 30 cm. Tưới nước bình thường liên tục khoảng 7 ngày để phân tan.
Trung bình cây 18 tháng tuổi bắt đầu cho ra hoa thì rải mỗi cây 500gr. Sau đó có thể tăng lượng phân lên theo số tuổi của cây.
Bước 2: Xiết nước
Sau khi tiến hành tưới nước giúp phân tan đều, nhanh để cây dễ hấp thụ, thì tiến hành cắt nước. Đồng thời nước mương trong vườn cũng phải rút xuống cách mặt liếp khoảng 0,6 – 0,8 m, để chuyển quá trình sinh trưởng sang quá trình sinh sản của cây mít. Thời gian xiết nước từ 2- 3 tuần đến khi thấy lá trên cây xào lại thì dừng.
Bước 3: Tạo thông thoáng cho cây
Sau khi rãi lân được 10 - 15 ngày, bắt đầu tỉa cành. Vì nếu tỉa cành quá sớm thì cây sẽ xuất hiện những chồi vượt, mà không tập trung ra hoa. Còn nếu tỉa trễ quá thì xử lý hoa ra sẽ không đạt.
Việc tỉa cành đúng cách và đúng thời điểm sẽ giúp cây mít ra hoa nhiều hơn và đồng loạt hơn. Nên tỉa bỏ những cành cách gốc 0,5 – 0,8 m, cành tăm, cành vô hiệu, cành trong tán, giúp cho cây thông thoáng, tập trung dinh dưỡng để ra hoa.
Ảnh. Tỉa cành cho cây trước khi phun tạo mầm hoa
Bước 4: Phun tạo mầm hoa
Lần 1: Để giúp cây mít ngừng đâm chồi mới, ức chế quá trình sinh trưởng của cây, giúp cây chuyển từ trạng thái cho đọt sang cho bông thì chúng ta cần tiến hành phun xịt toàn cây với phân bón lá có hàm lượng Lân cao như Lân 86 hoặc MKP kết hợp bổ sung phân bón lá bổ sung trung vi lượng Combi. Liều lượng sử dụng theo khuyến cáo của nhà sản xuất, tuyệt đối không nên tăng liều.
Thời điểm phun: Khi lá cây chuyển sang lá lụa khoảng 30 - 45% có màu xanh đậm và dày thì ta tiến hành phun.
Lần 2: Sau 1 tuần kể từ phun tạo mầm lần 1 thì bắt đầu phun tạo mầm lần 2. Giai đoạn này chỉ phun ở vị trí trong thân và cành chính, những nơi muốn cho ra hoa, không phun hết toàn bộ cây. Có thể sử dụng phân bón lá có hàm lượng lân cao như Lân 86 hoặc MKP kết hợp với các dòng phân bón lá có hàm lượng Kali cao như 7.5.44 để phun.
Bước 5: Ra hoa
Sau khoảng 1 tháng kể từ rải lân dưới gốc thì cây sẽ xuất hiện nụ, lúc này tiến hành tưới nước trở lại và có thể bón thêm phân NPK 20.20.15 để nuôi nụ hoa và tăng tỷ lệ đậu trái.